Có nhiều truyền thuyết dân gian cũng như có nhiều học giả, nhà nghiên cứu văn hóa giải thích khác nhau về nguồn gốc của bánh chưng.
Truyền thuyết kể rằng: Ngay sau khi phá xong giặc Ân, vua Hùng muốn truyền ngôi cho con. Vào dịp đầu xuân, vua cho mở hội và bảo các con rằng: Con nào tìm được thức ăn ngon lành để bày cỗ và có ý nghĩa hay thì ta truyền ngôi cho. Các Lang (các người con của vua Hùng) đã đua nhau làm ra những món lạ từ những nguyên liệu là sơn hào hải vị quý hiếm khắp nơi. Riêng người con trai thứ 18 của vua Hùng là Lang Liêu tính tình thuần hậu, chí hiếu, đã làm ra bánh chưng, bánh giầy.
Bánh giầy tượng trưng cho Trời, hình tròn, nhỏ, nằm gọn trong lòng bàn tay. Màu trắng nõn. Có hai miếng lá xanh cắt tròn đậy trên dưói. Mặt trên hình vòng cung giống như bầu trời. Trong xã hội Việt Nam thời xưa, bánh giầy dùng làm lễ vật tinh khiết để tế Trời và tế Thần. Chấp nhận Trời là đấng khai sáng vũ trụ, chủ tể trời đất. Thần là chủ trị địa phương.
Ý nghĩa của bánh giầy ngày Tết Việt Nam
Bánh giầy còn là lễ vật khao vọng cho những người được thăng quan tiến chức, hay học hành đỗ đạt. Biếu cặp bánh giầy là có ý nói lên lòng mơ ước tân chức biết sống có đức – độ, lấy quyền hành mà làm ích quốc lợi dân, thảo hoạch chương trình hành động theo ý trời hợp với lòng dân. Một thứ nhắc khéo là đừng vinh thân phì gia, đừng hãm hiếp dân lành, đừng vơ vét tham nhũng của dân.
Còn bánh chưng thì hình vuông, tượng trưng cho đất, theo quan niệm bình dân: Trời tròn đất vuông. Bánh dầy tượng trưng cho Trời, cho cha, cho rồng, cho sức mạnh… thì bánh chưng tượng trưng cho đất, cho mẹ, cho Âu Cơ, cho vẻ đẹp mỹ miều của Tiên. Việc gói bánh chưng phiền phức hơn làm bánh giầy, cũng nói lên tính cách phiền toái, đa dạng của lối sống trên mặt đất. Bánh chưng gói ghém hoa màu đồng nội, biến những thực phẩm thông thường hàng ngày của người nội trợ như thịt, mõ, đậu, hành, tiêu muối… thành một hương vị đặc biệt của ngày Tết.
Ý nghĩa của bánh chưng ngày Tết Việt Nam
Bánh chưng được gói năm ba lốp lá như lòng người mẹ bao bọc lấy người con. Con từ khi trong lòng mẹ, đến khi con chào đời, mẹ lo lắng cho từng cái khăn tã, cái miếng cơm ăn, miếng nước uống. Lòng mẹ bao la không hề quản khó nhọc nuôi con, dạy dỗ cho con thành người. Ngày Tết, ngày sum họp gia đình, ăn một miếng bánh chưng là cảm nghĩ về mẹ, sống với mẹ. Anh chị em đùm bọc lấy nhau, vì cùng một mẹ sinh ra như trăm con nở ra từ một bọc trứng. Ngày Tết là ngày vui nhất của đại gia đình về sum họp.
Cái giỏi và cái tâm của Lang Liêu là biết sử dụng những nguyên liệu thông thường có sẵn như: lá, gạo nếp, đậu xanh, thịt heo… để làm thành món ăn, mà trong đó đã gói ghém cả một nền văn minh nông nghiệp lúa nước, mang ý nghĩa sâu xa để làm vật phẩm cúng tế tổ tiên, đất trời. Kết quả Lang Liêu được vua cha chọn nhường ngôi.
Từ đó, cứ đến Tết Nguyên đán, dân gian bắt chước làm theo, sau thành tục lệ để cúng Tổ tiên, cúng Trời Đất. Dần dần, bánh chưng đã trở thành món ăn truyền thống, độc đáo của dân tộc. Đây cũng là một trong những bằng chứng cụ thể chứng tỏ văn hóa ẩm thực Việt Nam với nhiều món ăn đặc sắc, hấp dẫn.
0 Response to "Truyền thuyết về nguồn gốc của bánh chưng bánh giầy"
Đăng nhận xét