Những đặc sản ngon khó cưỡng ở xứ "hoa vàng cỏ xanh"

Nếu đã “trót” nếm thử sò huyết đầm Ô Loan, ghẹ Sông Cầu thì chắc chắn các thực khách sẽ phải gật gù công nhận rằng: hiếm có nơi nào mà sò và ghẹ lại thơm ngon, ngọt thịt như ở “Xứ Nẫu” Phú Yên.

Phú Yên là mảnh đất nằm ven vùng duyên hải miền Trung nổi tiếng là có nhiều đầm, vịnh. Những đầm Ô Loan, vịnh Vũng Rô, vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông... không chỉ được coi là những thắng cảnh không thể không ghé khi tới Phú Yên mà còn là những vựa thủy hải sản khổng lồ với những món ngon đặc trưng khó có nơi nào sánh bằng.

Sò huyết đầm Ô Loan

Sò huyết đầm Ô Loan được đánh giá là ngon “danh bất hư truyền” ở Việt Nam, bên cạnh sò huyết đầm Thủy Triều (Khánh Hòa) và sò huyết phá Tam Giang (Huế). Hiếm có nơi nào mà sò huyết vừa mập thịt lại vừa ngọt, vừa thơm, có hiều huyết đỏ, nấu món gì cũng ngon hết ý như sò huyết đầm Ô Loan.

Du khách có thể thưởng thức món sò huyết trứ danh này ở các quán ăn gần cầu An Hải mới (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) bắc qua đầm Ô Loan.
 

Sò huyết đầm Ô Loan vừa béo, vừa nhiều huyết đỏ, rất ngọt và thơm.

Ngoài ra, tại đây du khách còn được nếm thử nhiều món đặc sản khác như cháo hàu sữa, tôm đất nướng, canh chua cá bớp, các loại ốc như ốc hương, ốc nhảy…
 

Canh chua cá bớp

 

Hàu nướng mỡ hành

 

Tôm đất hấp




Cháo hàu sữa



Ốc hương nướng

Giá cả các loại đặc sản ở đây không rẻ, nhưng chắc chắn không đắt bằng các hàng quán ở thành phố nên du khách có thể yên tâm ăn uống thỏa thích, giúp bạn kéo lại tuổi thơ của bạn

Mắt cá ngừ

“Xứ Nẫu” Phú Yên vốn là vùng đánh bắt cá ngừ đại dương nổi tiếng, do đó, các món ăn chế biến từ cá ngừ xuất hiện trong thực đơn của hầu hết các nhà hàng hải sản và các… quán nhậu ở Phú Yên.

Trong đó, đặc sắc là lạ miệng nhất là món mắt cá ngừ chưng cách thủy. Mỗi chiếc mắt cá ngừ to gần bằng một chiếc chén đựng nước mắm nhỏ, được chưng trong hũ sứ cùng gia vị hành, tiêu, ớt, tỏi, nấm kim châm… và được ăn kèm với rau tía tô thái nhỏ.

 

Món mắt cá ngừ cần được đun nóng bằng cồn khô trước khi dùng.

Mỗi khi có thực khách yêu cầu được thưởng thức món mắt cá ngừ, nhà hàng sẽ bê ra một chiếc hũ sứ có nắp, bên trong có đầy đủ các nguyên liệu cơ bản của món ăn. Sau đó nhân viên nhà hàng sẽ rải cồn khô xung quanh chiếc hũ này và châm lửa đốt. Khi nào hết cồn, lửa tắt thì các thực khách mới có thể mở nắp hũ, cho tía tô vào và nhấm nháp món ăn độc đáo này.

Ghẹ Sông Cầu

Vùng Sông Cầu được thiên nhiên ưu đãi “ban tặng” cho loại ghẹ mập béo, nhiều thịt, thịt chắc và ngọt vô cùng.

Ghẹ Sông Cầu được chế biến thành nhiều món: ghẹ hấp, ghẹ hấp bia, ghẹ rang muối…, nhưng ngon nhất vẫn là món ghẹ hấp.

Khi mở mai ghẹ ra, thực khách không cần phải mất công bóc tách nhiều mà chỉ cần ấn nhẹ vào bụng ghẹ là cả miếng thịt ghẹ lớn sẽ được đẩy ra ngoài, chấm với muối chanh là ngon hết ý.

Chả dông

Dông là con vật xuất hiện nhiều trên những cồn cát dọc bờ biển Phú Yên, có hình dáng giống thằn lằn, dài khoảng 20 – 30cm.

Sau khi sơ chế, người chế biến sẽ dùng dao băm thật nhỏ thịt dông rồi thêm các loại gia vị như tiêu ớt, hành, tỏi, dầu ăn rồi dùng bánh tráng cuốn phần nhân này thành những cuốn nhỏ bằng hai ngón tay, cuối cùng là chiên giòn và thưởng thức.

 

Chả dông Phú Yên ngon, thơm và là món ăn nhiều đạm.

Món này được gọi là “chả dông”, nhưng có hình thức và cách làm giống với món nem rán của người miền Bắc. Ngoài món chả dông, người Phú Yên còn dùng thịt loài vật này để chế biến một vài món ăn khác như dông nướng, cháo dông…

Bò một nắng

Món ăn này có tên gọi đầy đủ là “bò một nắng hai sương”. Đặc sản “bò một nắng hai sương” của Phú Yên không phải chế biến từ loại bò cao sang mà là từ thịt bò được chăn thả rong trên những đồng cỏ tự nhiên xanh mượt.

Người chế biến món này phải biết chọn những miếng thịt thật ngon, chắc, sau đó tẩm ướp gia vị và đem phơi. Sau khâu phơi nắng, những miếng thịt bò sẽ được mang đi sấy và phơi sương. Trong quá trình này, người chế biến phải liên tục trở thịt cho đến khi thịt gần chín.

 

Bò một nắng ăn cùng các loại rau thơm và kiến muối.

Món bò một nắng Phú Yên có vị và cách ăn gần giống món trâu khô của người dân vùng núi phía Bắc. Chỉ khác là thịt bò một nắng không chín đến mức khô cong như thịt trâu khô. Ngoài ra, bò một nắng muốn ngon còn phải ăn kèm với kiến muối, tạo nên vị vừa bùi vừa thơm, rất lạ miệng.

Theo Minh Hạnh (Tiền Phong)

Related Posts:

0 Response to "Những đặc sản ngon khó cưỡng ở xứ "hoa vàng cỏ xanh""

Đăng nhận xét